08/04/2021

Câu chuyện giáo dục: Bạn muốn người khác nhớ đến mình như thế nào?

Hẳn chúng ta đã nghe qua câu chuyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường” – chuyện kể về một anh nông dân ngồi ở ngã ba đường để làm một chiếc cày. Người đi qua, người đi lại, góp ý, phê bình chiếc cày của anh, và mỗi lần nhận góp ý, anh lại sửa, sửa lui sửa tới chiếc cày cho đến khi nó không còn ra hình hài gì nữa. Đáng lẽ ra anh có thể đẽo một chiếc cày rất đẹp, nhưng vì cứ nghe người này, người kia, nên đã chẳng hoàn thành được mục tiêu của mình.

Liên quan hơi xa xôi đến chuyện đẽo cày, có một câu danh ngôn rất hay, đại ý rằng sai lầm của con người là ở chỗ cố gắng trở thành người mà người khác mong muốn, chứ không phải bản thân mình thực sự mong muốn. Bạn muốn trở thành luật sư, bác sĩ, doanh nhân, giảng viên,… hay đó là nghề nghiệp bố mẹ bạn mong muốn, anh chị bạn khuyên nhủ? Có phải người khác nghĩ bạn là người hiền lành, nhút nhát nhưng thực ra trong thâm tâm bạn rất “nổi loạn”, muốn phá vỡ mọi quy tắc và sống thật thoải mái, dễ chịu?

Ảnh: Amanda Jones on Unsplash

Nếu anh nông dân biết rõ điểm yếu điểm mạnh của bản thân, biết mình muốn đẽo một chiếc cày như thế nào, thì chắc chắn đã không bị những người qua đường làm phân tâm, chi phối.

Như việc đẽo cày kia, tự định vị bản thân và xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân khác biệt là việc làm cực kỳ quan trọng trong thế giới ngày càng “phẳng” này, không chỉ giúp bạn khẳng định bản thân trong cuộc sống mà còn trong công việc, trong các mối quan hệ. 

Chúc bạn luôn tự tin vững bước trên con đường của mình!

Sưu tầm