22/10/2015

Vì sao suy nghĩ tích cực lại tốt cho trái tim bạn?

Cuộc đời có thể nhanh chóng đổi thay từ tuyệt vời sang tệ hại bất cứ lúc nào. Sự chuyển đổi không được lường trước có thể làm chúng ta hoảng hốt và sợ hãi, và khiến chúng ta có cảm giác tiêu cực. Đôi khi có thể chỉ do những việc đơn giản như va ngón chân khi rời khỏi giường cũng có thể khiến chúng ta suy nghĩ không tốt suốt cả ngày. Dù vậy, nếu ta tập trung trau dồi phát triển những suy nghĩ tích cực, ta sẽ có sức mạnh để thay đổi căn bản cảm xúc của mình.

Young Woman Smiling

Tôi biết, suy nghĩ tích cực thường vướng phải những khó khăn. Đó là vì sự tiêu cực thường bị lầm tưởng là mạnh mẽ và quyết đoán, kèm theo đó là sự thô tục. Mặt khác, tích cực lại thường bị hiểu sai là yếu đuối, van nài, và thậm chí là không nghị lực. Nhưng khi theo dõi trong thời gian dài, các cảm xúc tiêu cực không được kiểm soát và dồn nén lâu có thể dẫn đến tổn hại cho sức khỏe. Trong cuốn sách Love & Survival (tạm dịch: Tình yêu và Tồn tại), bác sĩ Dean Ornish có viết, “Qua phân tích của hơn 45 nghiên cứu, sự thù địch nổi bật lên là một trong những nhân tố lớn nhất dẫn đến bệnh tim. Ảnh hưởng của thái độ thù địch có sức lớn ngang bằng hoặc hơn so với những nhân tố nguy hiểm thông thường của căn bệnh này: lượng cholesterol nhiều, huyết áp cao, vân vân.”

Thật may mắn, các nghiên cứu của ngành Tâm lý học Tích cực đã chứng minh cho sự quan trọng của tích cực, không chỉ cho thấy nó quan trọng nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ, mà đó còn là một yếu tố lớn và cần thiết tạo nên sức khỏe tuyệt vời và sự hạnh phúc. Trong cuốn sách Positivity (tạm dịch: Sự tích cực), nhà nghiên cứu, bác sĩ danh tiếng Barbara Fredrickson cho biết:

“Sự tích cực bao gồm những ý nghĩa tích cực và những thái độ lạc quan giúp tạo nên cảm xúc tích cực, tâm trí cởi mở, trái tim nhẹ nhàng, tứ chi thoải mái và da mặt mềm mại. Sự tích cực ấy còn có hiệu quả lâu dài đối với tính cách, các mối quan hệ, cộng đồng và môi trường xung quanh bạn. Mặc dù một số từ trong này nghe giống như ngôn ngữ trong thiệp chào hỏi, cụm từ Sự tích cực ảnh hưởng tới những giây phút quan trọng của con người đang ngày càng trở thành một điều thú vị trong khoa học.”

Fredrickson nổi tiếng với thuyết “mở-rộng-và-xây-dựng” về những xúc cảm tích cực. Học thuyết này chỉ ra rằng những cảm xúc tích cực giúp mở rộng sự chú ý của một người, cho phép người đó tiếp nhận nhiều loại suy nghĩ và hành động khám phá hơn. Trong bài viết trên thời báo Cognition and Emotion (tạm dịch: Nhận thức và Cảm xúc), Fredrickson cho biết việc áp dụng những cách ứng xử này rộng rãi giúp vun đắp cho khả năng chịu đựng và mở ra cho chúng ta những nguồn lực vật chất, tinh thần, xã hội và tâm lý mới. Ví dụ, những cảm xúc tích cực giúp gợi mở như tò mò, vui tươi và giàu lòng trắc ẩn với một người lạ có thể tạo nên một tình bạn lâu dài.

Trong khi các cảm xúc tích cực cho thấy khả năng “mở rộng và xây dựng”, giả thuyết tất nhiên chỉ ra rằng những cảm xúc tiêu cực, ngược lại, sẽ làm mất đi khả năng đó. Những cảm xúc tiêu cực dẫn tới cách hành xử ngắn hạn, sinh tồn. Nó xảy ra khi bạn trải qua cơn giận dữ hay sự lo lắng nhiều và sẽ dẫn đến sự phản ứng đánh-nhau-hay-biến. Khi trải qua những cảm xúc tiêu cực lâu, chúng ta có khuynh hướng mẫn cảm hơn với những ảnh hưởng của tim mạch như nhịp tim hay huyết áp tăng, lượng đường trong máu cao và ức chế hệ miễn dịch. Lâu dài, những cảm xúc tiêu cực có thể từ từ gây nên bệnh về động mạch vành.

Trong nghiên cứu trên Journal of Motivation and Emotion (tạm dịch: Thời báo về Động lực và Cảm xúc), các nhà nghiên cứu đã thấy rằng các cảm xúc tích cực có thể xóa đi ảnh hưởng đối với tim mạch do cảm xúc tiêu cực gây nên, giúp hồi phục trạng thái sinh lý cân bằng. Những người tham gia thí nghiệm là những người đang có cảm giác lo lắng – dẫn tới việc họ bị các ảnh hưởng tim mạch – đã luân phiên được xem những bộ phim khiến họ cảm thấy hài lòng, vui vẻ, không cảm thấy gì hoặc cảm thấy buồn. Các kết quả thí nghiệm đã cho thấy những bộ phim gây ra cảm giác hài lòng và vui vẻ cho người tham gia thí nghiệm thì có khả năng làm phục hồi tim mạch nhanh hơn những bộ phim kia.

Qua những điều mà nghiên cứu về sức mạnh của các cảm xúc tích cực chỉ ra, chúng ta nên cố gắng để gia tăng mức độ tích cực hằng ngày. Điều đó, đương nhiên, không có ý ám chỉ rằng chúng ta nên chối bỏ, để mặc hay tự trấn áp những xúc cảm tiêu cực. Mọi cảm xúc đều có thể có giá trị là năng lượng cho hành động của chúng ta. Chúng ta có thể lắng nghe, học hỏi, đạt được những lợi ích từ cả cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực, bởi vì chúng chính là thông điệp được gửi từ chính nhận thức của mình. Đây chính là lúc chúng ta có thể giải mã, tôn vinh và phối hợp các cảm xúc ấy với nhau và cuối cùng ta có thể thích nghi và phát triển. Sự tích cực được chủ động khuyến khích trong cuộc sống thường ngày sẽ nhắc nhở ta có thể làm nhiều hơn là một người ngoài cuộc đa cảm hay thụ động phản ứng lại với cuộc đời. Chúng ta có thể trở thành kiến trúc sư cho chính thái độ của mình.

Những gợi ý đơn giản để gia tăng sự tích cực:

  • Chú tâm đến những thành công bạn đạt được trong ngày: một dự án được hoàn thành tốt, một cử chỉ thân thiện, một bức thư điện tử hài hước, hoặc một lời khen ngợi không ngờ tới.
  • Kéo dãn toàn bộ cơ thể trong mỗi giờ. Tập đi bộ một cách phấn khởi với người đồng nghiệp trong giờ ăn trưa. Thưởng thức những bữa ăn nhẹ tốt cho sức khỏe mà bạn yêu thích và không để cho bản thân thiếu nước.
  • Tạo ra thói quen thay đổi vào cuối ngày làm việc. Tỉnh táo quyết định thứ bạn muốn đem về nhà cùng bạn. Hãy để lại những gánh nặng và phiền muộn của một ngày lại. Ngồi trong ô tô một vài phút và hít thở sâu. Khi bước chân về nhà, dành thời gian để thư giãn và tập theo bài tập yoga nhẹ nhàng, theo hướng dẫn và kéo dài trong năm phút với tư thế Lying On Back (tạm dịch: Nằm trên lưng).
  • Liên lạc và kết nối với những người thân yêu. Gọi điện, nhắn tin, gửi thư điện tử, gửi thư tình hoặc chia sẻ một bức ảnh về ký ức vui vẻ. Cười, nhảy, chia sẻ bữa ăn, ngồi cùng nhau, nắm tay và ôm nhau.
  • Lập danh sách những việc chưa xảy ra mà CHƯA thất bại. Giữ tâm thế biết ơn hàng ngày.

Phát triển thái độ tích cực sẽ làm giàu thêm cho cuộc sống của chính chúng ta cũng như của những người xung quanh. Trau dồi sự tích cực có thể thay đổi cơ thể, tâm trí và linh hồn bạn một cách đáng kể, giúp bạn tạo ra một cuộc sống tốt nhất. Như bác sĩ Fredrickson đã nói, “Kho tàng sự tích cực của chính bạn đang chờ đợi bạn.”

Bạn sẽ làm sao để tiếp nhận sự tích cực ấy trong cuộc sống hàng ngày?

Phương Mai (theo HuffPost)
Nguồn: Bookaholic