Triết học có thể giúp ta có được những nhận thức để cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời, cuộc đời và phong cách tư duy của những đại triết gia cũng là những gương mẫu cho ta học hỏi trên nhiều lĩnh vực.
Trò chuyện Triết học” tập hợp 92 bài viết của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, được NXB Tri Thức xuất bản vào trung tuần tháng 6/2012. Việc chuyển tải những vấn đề triết lý – nhân sinh hóc búa đến với độc giả phổ thông là điều không dễ, nhưng với cách chọn đề tài mà theo tác giả là: “Câu chuyện nghiêm chỉnh nào cũng cần trở nên vui vẻ, và câu chuyện vui vẻ có khi cũng cần trở nên nghiêm chỉnh”.
Ở mỗi bài viết độc giả sẽ được làm quen với một khái niệm Triết học hoặc với một triết gia nổi tiếng từ những góc độ gần gũi và thú vị nhất. Giả dụ như bài viết “Chỉ bán phở mới là quán phở?” mở đầu bằng câu chuyện hai cha con chủ một quán phở gia truyền nổi tiếng không đồng ý với nhau: nên giữ nguyên một món hay bổ sung thêm mấy món điểm tâm nữa và “bổ sung” tới mức độ nào thì quán phở vẫn còn là quán phở? Hai cha con vô hình trung đụng đến một trong những câu hỏi quan trọng nhất và cũng nhức đầu nhất của triết học: cái gì khả biến, cái gì bất biến? Cái gì làm nên bản chất của một sự vật? Hoặc trong “Cổ thụ ngàn năm hay chậu kiểng một mùa?”, chúng ta sẽ hiểu triết lý của Aristoteles ẩn giấu phía sau câu chuyện: chỉ từ một hạt mầm nhỏ bé thôi nhưng rồi sẽ có một cây cổ thụ nghìn năm hoặc chỉ là một chậu cúc gọi là “vạn thọ” mà không qua nổi một mùa.
Còn rất nhiều những câu chuyện dẫn đến các vấn đề Triết học thú vị tương tự như thế. Tất cả đều sẽ mang lại các bài học tư duy bổ ích cho con người hiện đại. Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ: “Triết học có thể giúp ta có được những nhận thức để cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời, cuộc đời và phong cách tư duy của những đại triết gia cũng là những gương mẫu cho ta học hỏi trên nhiều lĩnh vực…”. Để cùng lúc làm được các công việc có ý nghĩa trên đây, nhà văn Nguyên Ngọc đã nói về Bùi Văn Nam Sơn: “Một sự uyên bác thật sự cộng với một tài năng đặc biệt không dễ tìm ra, một lối viết triết học cho số đông công chúng thật tài hoa và duyên dáng”.
Ở tuổi 65, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn vẫn rất nhanh nhẹn, hồn hậu và ân cần trong lời nói, cử chỉ, rất khiêm nhường khi tiếp xúc với những người trẻ vốn ít kinh nghiệm sống và tầm hiểu biết hạn hẹp. Không hề tỏ ra xa cách, Bùi Văn Nam Sơn sôi nổi và nhiệt huyết khi nói về học thuật. Lời lẽ ông sáng rõ, giản dị, mạch lạc, súc tích, cố gắng diễn đạt những vấn đề triết học một cách ít trừu tượng nhất – một thứ ngôn ngữ đã được chưng cất qua chiều sâu trí tuệ của mình. Khuôn mặt ấn tượng với trán cao, rộng, đôi mắt tinh anh, khuôn miệng rộng, hay cười, Bùi Văn Nam Sơn không tạo ra bất cứ bức tường và sự mặc cảm nào cho người đối thoại. Ông luôn biết cách cho một câu trả lời có giá trị ở tầm khái quát lớn ngay cả với một câu hỏi tầm thường.
Bùi Văn Nam Sơn tha thiết với tri thức, với cuộc sống. Ông tự quàng cho mình cái trách nhiệm của một người trí thức, theo quan niệm của riêng mình: nhìn xa, thấy rộng, tự trọng và dấn thân
Nguồn: Sưu tầm