22/10/2015

Nhà giả kim

Nhà Giả Kim không phải là cuốn sách dành cho người nóng vội. Viết những dòng này là khi tôi đã đọc nó đến lần thứ ba.

nhagiakim

Tôi muốn giới thiệu nó đến bạn bè của mình, đặc biệt những người còn phân vân cho những định hướng trong cuộc đời mà thực ra là trong chuyện này tôi cũng đã từng đấu tranh tư tưởng không ít.

Thời niên thiếu của Paulo là đại diện cho một lớp trẻ muốn thoát khỏi sự gò bó trong định kiến của gia đình, luật lệ của nhà trường. Bố rất muốn ông nối nghiệp mình, trở thành một kỹ sư, nhưng ông lại bộc lộ năng khiếu và niềm mong mỏi được trở thành một nhà văn. Dù bố mẹ không hề hài lòng, ông vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ đã ấp ủ từ bé đó. Santiago trong câu chuyện trên cũng vậy. Cha mẹ cậu kỳ vọng cậu sẽ trở thành một linh mục nhưng cậu lại chọn công việc chăn cừu để thỏa mong ước được chu du, khám phá các miền đất mới lạ. May mắn cho Santiago là cuối cùng thì bố cậu cũng bị thuyết phục và ba đồng tiền vàng tặng cho con khi vào học trường dòng được thay bằng một đàn cừu: “Con lấy mà mua một đàn cừu, rồi đi khắp nơi khắp chốn, cho đến khi con hiểu ra làng mạc, thành quách vùng mình tuyệt vời nhất, phụ nữ vùng mình xinh đẹp nhất”. Tôi nhớ đến bộ phim “3 Idiots”. Bố Farhan đã hào hứng bao nhiêu khi mua một chiếc laptop để tặng cho cậu con trai mà sau buổi phỏng vấn hôm ấy sẽ chính thức trở thành kỹ sư thì ông đã thất vọng bấy nhiêu khi thấy anh chàng trở về với sự khẩn khoản được đi theo lời mời chụp ảnh tại một khu rừng mưa Brazin. Nhưng rồi:

– Bố, điều gì sẽ xảy ra nếu con trởt hành một nhiếp ảnh gia?

Con sẽ kiếm ít tiền hơn, sẽ có một căn nhà nhỏ hơn, sẽ mua chiếc ô tô nhỏ hơn. Nhưng con sẽ hạnh phúc! Con sẽ rất hạnh phúc!. Con đã luôn nghe theo lời bố. Chỉ một lần thôi hãy để con nghe theo trái tim mình.

…..

– Trả lại cái này. Con trai, một máy ảnh chuyên dụng giá bao nhiêu?. Liệu có thể đổi máy tính xách tay lấy nó không? Nếu con cần thêm tiền cứ hỏi bố. Hãy sống cuộc đời con muốn, con trai!

Như ba đồng vàng đổi thành một đàn cừu, thì một chiếc máy tính xách tay cuối cùng cũng đổi thành một chiếc máy ảnh chụp chuyên dụng.

Tiếp câu chuyện trong Nhà Giả Kim, cậu chăn cừu lên đường. Cậu gặp hai lần một giấc mộng kỳ lạ. Có một đứa trẻ đến chơi với bầy cừu và nắm tay cậu dẫn đến Kim Tự Tháp. Một bà lão đã giải đoán được giấc mộng đó. Rồi cậu bán đi đàn cừu gắn bó với mình bấy lâu để trang trải chi phí sang Ai Cập tìm kho báu theo như lời bà lão kia nói. Trên những bước đường đầy khó khăn và khắc nghiệt, cậu làm nhiều việc và gặp nhiều người. Cậu còn gặp cả Fatima, cô gái sa mạc mà ngay từ cái nhìn đầu tiên cậu đã biết đó chính là định mệnh của cuộc đời mình và họ một tình yêu ngọt ngào như mơ. Từ công việc chăn cừu đến lau pha lê, từ người tốt đến kẻ trộm cướp, từ những vùng đất khắc nghiệt như sa mạc cũng đều dạy cho cậu nhiều bài học quý báu trong cuộc sống. Dọc hành trình của Santiago, những triết lý sâu sắc được nhà văn đan xen gửi gắm trong từng câu văn vừa nhẹ nhàng, vừa lãng mạn (đặc biệt khi cậu bé đối thoại với sa mạc và gió) khiến người đọc không thể bỏ cuốn sách xuống…

[…]

Nguyên nhân mang tôi đến với cuốn sách là cái tên – nó khiến tôi tò mò. Nhưng cuốn sách không cổ xúy cho một tôn giáo nào cũng không giới thiệu về điều gì đó kỳ bí trong thuật luyện kim cả. Cuốn sách còn khiến tôi liên tưởng đến tuyệt phẩm The Prophet của Kahlil Gibran, một áng văn cổ điển đậm chất thơ và triết lý sống xuất bản năm 1923…

Tận mắt nhìn, tận tay sờ mới tin. Nhưng bạn ơi, đôi khi chúng ta phải tin trước đã, rồi mới thấy. Gấp cuốn sách lại, tưởng tượng như ta vừa đọc xong một câu chuyện nửa cổ tích, nửa ngụ ngôn, với một cái kết có hậu. Có thứ nước, không rõ có phải nước trường sinh của nhà giả kim đã tưới mát, gội sạch bụi bẩn nơi tâm hồn ta hay không, mà sao khiến nó lấp lánh và đồng điệu trong con người ta hơn bao giờ hết. Nhưng có một điều rất thật, thế này, Steve Jobs từng khuyên các sinh viên tại Lễ trao bằng tốt nghiệp ĐH Stanford danh tiếng“Stay hungry, stay foolish” (“Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ!”). Bạn có ngần ngại trở thành một người chăn cừu không?

Trích: “Nhà giả kim – Đâu phải mọi thứ đều biến thành vàng là tốt?”
Nguồn: Nhã Nam