11/07/2017

Lịch sử triết học phương đông cho thanh thiếu niên

Từ xưa đến nay, triết học luôn là một vấn đề rất hàn lâm và không bao giờ là một lĩnh vực dễ nhằn. Nhắc tới triết học đừng nói học sinh ngay cả sinh viên, một số người lớn cũng còn thấy hơi ngán bởi tính khô khan, độ dài lịch sử cùng sự phức tạp, thâm sâu mà vĩ nhân ngày xưa để lại. Tuy nhiên, với “Lịch sử triết học phương đông dành cho thanh thiếu niên”, bạn sẽ nhận ra rằng triết học không quá sức khó tiếp thu như chúng ta vẫn mặc định.

Khúc chiết và dễ hiểu

Khác với các quyển sách triết học được viết khô khan như giáo trình nhan nhản trên thị trường, “Lịch sử triết học phương đông dành cho thanh thiếu niên” rất thu hút và hấp dẫn với tranh ảnh minh hoạ rất sống động. Bên cạnh đó, cuốn sách đã trình bày khái quát lịch sử hình thành, các giai đoạn phát triển triết học phương Đông, phân tích hệ thống tư tưởng của các nhà triết học và các trào lưu triết học trên các mặt bản thể luận, nhận thức luận và đạo đức nhân sinh cũng như những vấn đề chính trị – xã hội trong lịch sử triết học Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc một cách khúc chiết và dễ hiểu.

Dù được định danh là “triết học Phương Đông” nhưng phần lớn cuốn sách nói về triết học Trung Quốc hoặc bắt nguồn từ Trung Quốc là chủ yếu. Bởi lẽ các nước châu Á, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á (nhất là nhóm quốc gia đồng chủng đồng văn Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam), chịu ảnh hưởng của văn hóa, triết học Trung Quốc rất nhiều. Chính vì vậy, độc giả sẽ rút ra được nhiều nhận định cá nhân hơn là được sách định hướng một cách áp đặt mọi vấn đề về triết học phương Đông như trước đây.

Lich su triet hoc phuong dong viet cho thanh thieu nien

Không chỉ dành cho thiếu niên

Như tiêu đề của cuốn sách, “Lịch sử triết học phương đông dành cho thanh thiếu niên” vốn được định danh là dành cho thanh thiếu niên, nhưng thực chất mọi đối tượng đều có thể tìm đọc. Bởi vì với những mẩu chuyện rất nhỏ nhưng bài học rất lớn, cuốn sách đã tinh giản những bài học vô cùng uyên thâm và vi diệu, với nhiều trường phái khác nhau như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Lão giáo, Nho giáo… trở nên gần gũi hơn. Đặc biệt, nội dung không nặng nề mà hấp dẫn ở việc thuật lại những giai thoại của triết học cũng như của các nhà triết học để tất cả mọi đối tượng đều có thể tiếp thu những tri thức cơ bản cần thiết về triết học và tìm hiểu một cách tổng quát về “triết học phương Đông” thông qua cuốn sách.

Bên cạnh đó, độc giả còn được đọc về cảm nhận của tác giả và cả liên hệ với xã hội hiện tại, chủ yếu là xã hội Hàn Quốc – quê hương của tác giả để có những đối chiếu so sánh thú vị hơn. Tác giả đã phân tích ý nghĩa, rồi so sánh giữa các hệ tư tưởng với nhau để rút ra những bài học cô đọng nhất và gợi hưỡng thảo luận nhằm hướng tới việc xã hội được hình thành bởi từng cá thể riêng biệt nên cần có những đề tài mang tính định hướng chung dẫn dắt thì xã hội sẽ phát triển lành mạnh.

Như một cẩm nang liệt kê tất tần tật các trường phái triết học của phương Đông, nơi đã có những học thuyết ảnh hưởng sâu đậm đến hệ tư tưởng của Việt Nam, “Lịch sử triết học phương đông dành cho thanh thiếu niên” thực sự là một cuốn sách đáng đọc, đáng để bạn nghiền ngẫm. Qua cuốn sách, bạn sẽ thấy triết học dạy con người lẽ sống, cách đối nhân xử thế và việc hiểu rõ thêm những tư tưởng triết học gốc rễ sẽ giúp mỗi con người chúng ta tìm thấy được bản ngã và sống sao cho thật đẹp chứ không chỉ nặng về lý thuyết như ta nghĩ.

Nguồn: Trên kệ sách

17/08/2017
Công chúa nhỏ