17/02/2015

GS Ngô Bảo Châu: “Cả đắng cay cũng nằm trong hạnh phúc” (2)

Trò chuyện dịp Tết, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Trong cuộc sống có cả cái ngọt ngào và đắng cay. Mình phải biết là ngay cả cái đắng cay đó cũng nằm trong hạnh phúc”.

Triết lý lớn nhất phải là yêu cuộc sống

Trong bài nói chuyện với nhà văn Phan Việt, anh nói “sống làm sao để sau này biến mất không dấu vết”. Nhưng Ngô Bảo Châu bây giờ biến mất thì hơi khó?

Mình phải hiểu là dấu vết như thế nào. Cũng giống như trong thiên nhiên, tất cả sinh linh tồn tại đều có một dấu vết gì đó. Dấu vết tức là cái mình để lại – cắt nghĩa chính xác rất khó. Có điều thực sự tôi rất sợ là khi nghĩ đến lúc mình chết rồi người ta làm cái mộ to tướng rồi ngày ngày đến thắp hương. Đấy là một cái dấu vết rất là kinh.

Đấy là cái nỗi sợ của anh nhưng là niềm mơ ước của rất nhiều người. Có nhiều người nhà giàu ở Việt Nam có phong trào xây mộ xây lăng cho mình?

Tôi vừa đi Huế. Nhà cho người ở thì ít nhưng mộ cho người chết thì rất to. Kể cả xây cho người đã chết rồi với tôi đó là sự lãng phí kinh khủng. Không để lại dấu vết với tôi cái lớn nhất là không nên cản trở cuộc sống của người khác. Kinh khủng nhất là cản trở cuộc sống của người khác.

Thực tế một số người tạo dấu vết của mình bằng cách cản trở cuộc sống, thậm chí cản trở sự phát triển của xã hội?

Tôi nghĩ triết lý lớn nhất là phải yêu cuộc sống. Yêu cuộc sống như chính nó chứ không phải là cuộc sống phải có chức năng nhiệm vụ gì cả. Nhiều khi mình phải nhìn kể cả những động vật, thực vật vô ích cho con người. Đôi khi chúng ta cũng nhổ cỏ dại, để bãi cỏ xanh tươi đẹp đẽ.

GS Ngô Bảo Châu với sinh viên.
GS Ngô Bảo Châu với sinh viên.

Về mặt nguyên tắc không ai phủ nhận mình có quyền nhổ cỏ dại. Nhưng mình phải hiểu cỏ tồn tại vì nó tồn tại thôi, nó chẳng có lý do gì phục vụ cuộc sống con người cả. Con người cũng thế, mình phải nhìn người ta sống trong cuộc sống của chính họ, không phải tồn tại để phục vụ cho cuộc sống của mình.

Con người để đạt được trạng thái hồn nhiền của đầu óc rất khó vì bị quá nhiều kinh nghiệm, nhiều vấn đề của đời sống tạo nên những nếp hằn trong đầu óc. Tôi rất thích câu mang tính triết học của Trịnh Công Sơn “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Phải chăng cứ sống thật với mình rồi mình sẽ có niềm vui?

Không có hồn nhiên thì không thể khám phá được. Nếu đọc triết học của Platon thì một trong những tiền đề của sự khám phá là sự ngây thơ, hồn nhiên. Nếu cái gì mình cũng biết rồi thì ai còn ham mê khám phá nữa. Một trong những bí quyết để làm khoa học là giữ cho mình một tâm hồn trong trẻo.

Có lúc nào anh cảm thấy hối tiếc không?

Có. Tất nhiên là có những lúc hối tiếc về những quyết định trong cuộc sống.

Anh có thể kể về một sai lầm của anh không?

Không (cười). Tôi chưa chuẩn bị cho chuyện này. Sai lầm thì có nhiều sai lầm nhưng sai lầm để mình phải hối tiếc thì…

Anh đã bao giờ thấy chán Toán chưa? Đã bao giờ anh nghĩ đến việc bỏ Toán để theo đuổi cái khác chưa?

Mệt mỏi thì có chứ chán đến mức đó thì không.

Làm thế nào để hết mệt mỏi?

Mệt mỏi thì làm chuyện khác. Tôi nghĩ làm cái gì mãi thì cũng chán, nhưng quan trọng là phải luôn có cái mới. Khoa học hay ở chỗ lúc nào cũng đi tìm cái mới. Như Bổ đề cơ bản tôi theo đuổi nhiều năm trời nhưng làm xong tôi lại không thấy không ham mê như trước nữa.

Trong mười mấy năm lúc nào cũng đam mê như vậy ạ? Vậy không kết thúc thì tốt hơn đúng không, để lúc nào anh cũng thấy đam mê?

Ừ đấy. Trước đây tôi có viết một câu thơ lăng nhăng mà mọi người không ai hiểu là “Có một con đường ta đi/ Giá chi không bao giờ tới đích”. Chuyện làm Toán cũng thế, mình vẫn muốn tới đích, nhưng cái hạnh phúc nhất đó là lúc đi trên con đường. Cuộc sống của mình cũng thế. Cái đích của cuộc sống chẳng qua là cái chết (nghĩa trang thôi).

Tôi nghĩ là lúc mình đi trên con đường ấy, cái quá trình mình đi còn hạnh phúc hơn là đến được đích?

Nhưng nếu không có đích thì mình sẽ không thể đi được. Hôm trước tôi có nói với Phan Việt là phải có một cái đích cao quý. Cái cứu cánh có hai nghĩa, vừa là mục đích nhưng vừa có một cái nghĩa hơi hiểu sai một chút, đó là cái cứu mình, giúp mình tổ chức cuộc sống của mình.

Đó có phải lý tưởng không anh?

Phải có lý tưởng là đúng. Mỗi người phải có lý tưởng nhưng nói sống có lý tưởng thì tôi hơi ngại, một phần là hơi bị sáo. Lý tưởng là mình quên mất sống cuộc sống của mình mà chỉ nghĩ tới cái đích. Mình phải tin vào cái đích của mình.

Giờ có nhiều bạn trẻ có nhiều cái đích không phải là cao quý lắm, ví dụ có một cái nhà, một cái xe, một thu nhập ổn định. Đó không có gì xấu cả, nhưng nó khác với cái thời chiến tranh với lý tưởng cao quý “Thép đã tôi thế đấy”.

Xây dựng một cuộc sống an bình, đầy đủ cho gia đình thì không có gì là xấu cả. Nhưng nếu thực sự mà để dùng từ tôn giáo là “cứu rỗi” con người thì những mục đích đó không thể cứu rỗi con người được. Bản chất của con người, theo xuất phát điểm của tôn giáo, của triết học là luôn sợ hãi cái chết, nhìn thấy cái đích trước mặt mình là nghĩa trang. Cái gì là cứu rỗi mình ra khỏi cái đích đó, hiển nhiên không phải chuyện nhà cửa, xe cộ của mình mà chính là vươn lên những cái tốt đẹp nhất. Cái đó khác với cuộc sống hàng ngày.

Cái tốt đẹp là sống có ích?

Có ích và hướng tới những giá trị đẹp, cái đẹp cứu rỗi cuộc sống. Người ta nói “Phụ nữ đẹp cứu rỗi cuộc sống” (cười) nhưng thực ra không phải.

Phụ nữ đẹp nhiều khi làm cuộc sống phức tạp đi?

Phức tạp lắm. Vô cùng phức tạp (cười).

Phùng Nguyên – Hà – Hạnh
Nguồn: Tiền Phong

(còn tiếp)