17/11/2014

Đại học không phải là học đại

Để lên dây cót tinh thần cho các bạn tân sinh viên đồng thời giúp cho các bạn có ý niệm rõ ràng và chính xác về việc học đại học, Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Tam Khôi đã tổ chức chuyên đề “Đại học không phải là học đại” vào ngày 14/09/2014 vừa qua.

Khác với những chuyên đề trước, “Đại học không phải là học đại” lại được dẫn dắt qua hàng loạt câu hỏi do cô Tô Thị Hoàng Lan, diễn giả chính của chuyên đề đặt ra. Và người đưa ra câu trả lời không ai khác là những bạn học sinh – sinh viên tham gia. Buổi thảo luận và trao đổi đã đúc kết được nhiều thông tin thật sự bổ ích.

Tự thân vận động

Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa môi trường THPT và môi trường đại học, cao đẳng và trung cấp mà các bạn đã tự nghiệm ra. Không còn thầy cô giáo đốc thúc, không còn giám thị “canh me”,  không còn cha mẹ nhắc nhở, dường như sinh viên nắm trong tay sự tự do mà bất cứ bạn học sinh nào cũng ao ước. Thế nhưng đó cũng là khó khăn lớn nhất khi trở thành sinh viên: bạn phải tự đặt ra mục tiêu học tập, tự sắp xếp thời khóa biểu, tự kiếm và đọc tài liệu, tự tìm ra phương pháp học tập (ví dụ như lập nhóm học tập), tự nhắc nhở bản thân theo đuổi kế hoạch của mình v.v. Và còn rất nhiều thứ khác mà bạn đều phải TỰ MÌNH thực hiện để đạt được mục tiêu học đại học và trang bị đầy đủ cho bản thân khi ra đời.

Mọi con sông đều đổ vào biển kiến thức

Điểm khác biệt thứ hai được ghi nhận là độ rộng và chuyên sâu của kiến thức. Chính vì điều này mà bạn sẽ phải mò mẫm trong các thư viện, lục lọi trên các trang mạng, “bám đuôi” các thầy cô giáo xin chỉ giáo, tranh luận nảy lửa với bạn bè cùng lớp hay các anh chị khoá trên, thậm chí là lê la đến các chương trình hội thảo, buổi nói chuyện, dự án hoặc bất cứ cơ hội nào mà bạn có thể nắm bắt được. Điều cốt lõi là càng tìm thấy nhiều nhánh sông tri thức, bạn càng có khả năng làm đầy “bồ kiến thức” của bản thân.

Học đại học và đua xe đạp

Vậy làm thế nào để đạt được số điểm như mong muốn trong khi bạn đang phải “tự lực cánh sinh” về mọi mặt (trừ tài chính)? Cô Hoàng Lan đã ví von sự học ở đại học nói chung giống như một cuộc đua xe đạp vậy. Để chạm đến cái đích mà bạn tự đặt ra, ngoài những trang bị về phương tiện, kế hoạch, kiến thức, bạn còn phải luyện tập mỗi ngày để có được kỹ thuật điêu luyện, sức bền dẻo dai và khả năng đối phó với các tình huống. “Điều các bạn cần làm là đạp xe đạp chứ không phải là… ngắm người khác đạp xe.” Tương tự, bạn phải thường xuyên luyện tập những kỹ năng làm bài thay đổi theo môn học và loại bài tập. Không những phải nắm vững quy trình thực hành, bạn còn phải bảo đảm rằng bản thân hiểu rõ cặn kẽ các kiến thức. Có như vậy bạn mới vận dụng chúng tốt nhất và nhuần nhuyễn kỹ năng làm bài.

Sức mạnh của kĩ năng mềm

Sau khi ngắm nghía 30 tin tuyển dụng được dán quanh tường, các bạn học sinh, sinh viên nhận ra rằng điều các nhà tuyển dụng đòi hỏi ở ứng cử viên nhiều hơn một tấm bằng, thứ duy nhất mà trường đại học sẽ trao cho bạn thật sự sau khi ra trường. Tất cả những yêu cầu khác, bao gồm kiến thức chuyên môn, kĩ năng mềm (làm việc nhóm, giao tiếp, xử lí mâu thuẫn, quản lí thời gian,… ), khả năng tin học, ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc đều xuất phát từ sự CHỦ ĐỘNG của bản thân sinh viên. Ngoài hoạt động học tập, bạn còn có thể trau dồi các kĩ năng thông qua việc làm thêm, việc tham gia các câu lạc bộ, tổ chức, Đoàn Thanh niên hay Hội Sinh viên trong nhà trường… Trước tình hình biến động về việc làm như hiện nay, kĩ năng mềm là vũ khí vô cùng lợi hại giúp bạn không rơi vào tình thế THẤT NGHIỆP.

Thông thạo ngoại ngữ, tinh thông tin học

Trong môi trường làm việc thực tế, nói tiếng Anh “nhanh như gió” vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Bạn cần có có vốn từ chuyên ngành phong phú, khả năng viết lách bằng TIẾNG ANH như TIẾNG VIỆT và sử dụng từ ngữ một cách chuẩn xác. Trong khi đó, kỹ năng tin học cũng không chỉ dừng lại ở… lướt web và tốc độ đánh máy mà còn là khả năng tìm kiếm thông tin trên mạng Internet hiệu quả cùng soạn thảo các văn bản chuyên nghiệp. Theo đó, trình bày các bài học của mình trên vi tính sẽ giúp bạn nâng cao khả năng xử lí các văn bản.        

Những cạm bẫy cần “né”

Mê kiếm tiền, trò chơi điện tử, đánh bi-da hay chuyện tình cảm… là những cám dỗ mà sinh viên rất dễ rơi vào trong suốt quãng thời gian ở giảng đường đại học. Một kế hoạch học tập chi tiết, những mục tiêu học tập rõ ràng sẽ là những lời nhắc nhở, cảnh báo và liều thuốc giúp bạn kịp thời thoát khỏi những cạm bẫy nguy hiểm của đời sinh viên.

Khắc họa khái quát bức tranh đại học qua chuyên đề “Đại học không phải là học đại”, Tam Khôi mong rằng các bạn tân sinh viên sẽ xác định được kế hoạch học tập trong bốn năm sắp tới. Chúc các bạn có những năm tháng thật sự sôi động, bận rộn nhưng đầy ý nghĩa.