19/03/2015

Sống cho ngày hôm nay

Ngồi trong phòng chăm sóc đặc biệt, trông anh trai Byron của tôi đang trong cơn hôn mê, tôi luôn tự hỏi: “Tại sao? Tại sao mình có thể thoát khỏi tai nạn kinh khủng ấy mà không hề hấn gì?”.

Đầu anh tôi bị băng kín sau vụ chấn thương sọ não nghiêm trọng, đôi mắt nhắm nghiền của anh sưng húp không thể nào mở ra được. Các bác sĩ cho chúng tôi biết, anh có thể không sống nổi qua đêm nay.

Họ nói rằng vụ tai nạn mà tôi thoát khỏi một cách thần kỳ có thể để lại một di chứng kinh khủng trong cuộc đời tôi, hệ quả của chứng viêm nhiễm kinh niên rất nghiêm trọng và gây ra tác động rất xấu đến nhiều cơ quan nội tạng. Sau này, căn bệnh đó có thể mang đến nhiều khó khăn và thử thách ghê gớm cho cuộc sống của tôi.

Tai nạn xảy ra vào năm tôi 9 tuổi, khi ấy tôi mơ trở thành người kế tục Mary Lou Retton – một vận động viên thể dục dụng cụ nổi tiếng người Mỹ. Tôi sống sót sau tai nạn, nhưng ước mơ của tôi tan thành mây khói khi tôi bắt đầu cảm thấy đau ở cổ tay và đầu gối một năm sau đó.

Bác sĩ chẩn đoán tôi bị chứng viêm khớp của trẻ vị thành niên, nhưng nhiều khả năng căn bệnh sẽ thuyên giảm khi tôi lớn lên. Trong lúc chờ đợi, họ khuyên tôi từ bỏ môn thể dục dụng cụ vì tác động không tốt của nó lên cơ thể. Nước mắt tôi tuôn trào, nhưng những hoạt động, mơ ước và mục tiêu của tôi chỉ bị chuyển đổi. Học vấn, bóng rổ, bơi lội, tennis, trượt tuyết, lướt tán trở thành niềm đam mê mới trong tôi.

Vào năm lớp 10, tôi bắt đầu cảm thấy đau khớp khắp người trầm trọng. Tôi cảm nhận từng cử động nhỏ trong khớp và xương. Trở mình trên giường, ngồi dậy đi vào nhà tắm, cột dây giày hay đánh răng, tất cả đều đòi hỏi một nỗ lực ghê gớm. Câu hỏi “Không biết mình còn có thể đi lại hoặc chạy nhảy bình thường được không?” đã vài lần hiện lên trong đầu tôi. Tôi còn nhớ rất rõ đứa em gái ngây thơ của tôi đã thì thầm hỏi mẹ, “Mẹ ơi, Elisa sắp chết phải không?”.

Qua nhiều lần xét nghiệm, tôi biết mình mắc bệnh ban đỏ lupus không thể chữa được. Lupus là căn bệnh tự miễn dịch tấn công vào các tế bào cơ thể. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng đó là bí mật của tôi.

Bất chấp căn bệnh của mình, tôi cũng giống như tất cả mọi người và không gì có thể ngăn cản tôi làm những việc mà tôi hằng mơ ước và hy vọng. Tôi học được rằng nụ cười rạng rỡ trên môi và quyết tâm sắt đá trong tim là điều duy nhất giúp tôi giữ vững tinh thần, cho tôi sức mạnh để tiếp tục đi tới (Thói quen 1: Chủ động).

Tôi tốt nghiệp phổ thông trung học nhờ vào sự trợ giúp của liều lượng thuốc men khổng lồ. Tôi biết mình sẽ sống với căn bệnh này suốt đời nhưng lại cho rằng cái cảnh mà tôi trải qua ở trung học là thử thách cuối cùng, và tôi có thể chịu được bất kỳ chuyện gì xảy ra sau này.

Học đại học là mục tiêu tiếp theo trong đời tôi (Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí). Tôi nôn nóng chờ đợi đến lúc mình có thể dọn ra ngoài ở, tự nấu bữa ăn cho mình, trở nên độc lập và sống cuộc đời sinh viên.

Học kỳ đầu tiên quả thật rất khó khăn khi phải điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh mới, nhưng tôi yêu thích thử thách này và những ký ức mà tôi đang tạo ra. Vào dịp Giáng sinh, tôi trở về nhà sum họp gia đình, đó cũng là lúc tôi bắt đầu có những triệu chứng mà tôi chưa từng biết đến. Cơ thể tôi bắt đầu trữ nước và chẳng bao lâu sau, trông tôi như bà bầu sắp đẻ đến nơi. Chuyện gì đã xảy ra?

Một lần nữa tôi quay lại phòng khám, và phát hiện căn bệnh lupus đang tấn công vào thận. Tôi quyết tâm trở lại trường trong vòng chưa đến một tuần, vì thế tôi cần được chữa trị cấp tốc. Nhưng các bác sĩ cảnh báo rằng, nhà trường không phải là lựa chọn tốt nhất của tôi trong học kỳ tới. Tôi quay lại bệnh viện điều trị đặc biệt trong một tuần và sau đó là bốn tháng truyền dịch dài đằng đẵng.

Tôi, một cô gái 19 tuổi, đang nỗ lực hết sức mình để có được tấm bằng đại học và sống năng động như bất kỳ ai, nhưng cơ thể tôi không cho phép tôi làm điều đó.

stronger

Sau nhiều tháng chữa trị ở bệnh viện, với kim chích, truyền dịch và các xét nghiệm bất tận, cơ thể tôi từ từ giảm bớt lượng nước tích trữ. Mặc dù chức năng thận khi đã hỏng thì không bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn, với những loại thuốc đặc trị, tôi đã có thể trở lại với những hoạt động thường ngày và quay về trường để thực hiện một khởi đầu mới. Tôi bị lỡ mất một học kỳ, nhưng bắt kịp được chương trình vào những kỳ nghỉ.

Chuyên ngành truyền thông của tôi đòi hỏi tất cả sinh viên phải trải qua một kỳ thực tập trước khi ra trường. Học kỳ mùa đông là khoảng thời gian tôi đi thực tập và lễ tốt nghiệp sẽ diễn ra vào tháng tám. Tôi may mắn có được cơ hội thực tập mơ ước và được làm việc với những con người tài năng trong lĩnh vực của mình.

Kỳ thực tập trôi qua được hai tuần thì những triệu chứng cũ lại xuất hiện, cơ thể tôi bắt đầu trữ nước và sưng tấy lên. Không thể nào, chuyện này không thể xảy ra vào đúng kỳ thực tập mà tôi hằng mong đợi. Tôi biết rõ điều gì sẽ xảy ra và cái mà tôi phải đối mặt trong vòng 3-4 tháng tới. Chỉ có điều, lần này tôi sẽ không nghỉ học. Trong tâm tưởng, tôi luôn nhắc nhở mình rằng, tôi sẽ không từ bỏ trường học, kỳ thực tập, tất cả mọi thứ.

Một lần nữa, trông tôi lại giống người mang thai 9 tháng, và tôi không thể tự mặc quần áo được. Hai chân tôi sưng phù như chân voi với nhiều vết rạn. Trên mặt tôi, các mao mạch bị vỡ, để lại những vết tím bầm màu mận chín và sưng phồng lên hàng tháng trời. Bạn bè và bạn học cùng lớp, trước đây nhìn tôi như người bình thường, nay im lặng một cách khác thường và giương mắt nhìn tôi khi tôi nỗ lực hết sức để tiếp tục thực hiện những hoạt động hằng ngày.

Không biết bao nhiêu lần tôi chỉ muốn đào lỗ chui xuống đất, náu mình chờ cho mọi điều tồi tệ trôi qua. Nụ cười mà tôi học được cách dán lên môi mình từ năm lớp 10 đã giúp tôi tiếp tục bước. Tôi tin rằng chuyện này rồi sẽ kết thúc, chỉ là không biết vào lúc nào thôi.

Triệu chứng của căn bệnh lupus thay đổi trong mỗi lần phát bệnh, và lần này tôi có thể chiến đấu mà không phụ thuộc quá nhiều vào bệnh viện. Thế là tôi đã có thể – một cách đau đớn và khó nhọc – tiếp tục sống theo cách tôi muốn. Mỗi ngày tôi một khá hơn và một thời gian sau, tôi đã khoẻ lại. Mục tiêu tốt nghiệp của tôi hoàn tất trong vòng 4 năm, bất chấp tình trạng sức khoẻ của mình.

Nghề nghiệp là mục tiêu kế tiếp của tôi. Tôi nóng lòng áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm vào công việc. Tôi đã tìm được một công việc tuyệt vời và dần dần thích ứng với cuộc sống mới. Những thử thách mà tôi trải qua thế là quá đủ rồi. Vậy mà mới vào làm việc được hai tháng và trong khi cố hết sức mình để gây ấn tượng tốt thì tôi lại phát bệnh một lần nữa. Tại sao? Tại sao? Tại sao?

Lại điều trị. Mỗi lần như vậy, quả thận của tôi lại yếu hơn và các liều thuốc lại mạnh hơn, với những tác dụng phụ ghê gớm. Tôi chiến đấu với những cơn buồn nôn, ngất xỉu, rụng tóc, rỗng xương, những vết bầm tím, chứng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời – hệ quả của việc cơ thể tôi hằng ngày phải lệ thuộc quá nhiều vào thuốc. Nguy cơ phải thay thận chỉ là vấn đề thời gian, nhưng ai có thể biết trước được.

Sống chung với bệnh lupus như sống chung với lũ, không bao giờ biết được khi nào nó sẽ tấn công tôi, triệu chứng nào tôi phải trải qua, mất bao lâu để hồi phục và phải trả bao nhiêu tiền cho những lần trị liệu. Sinh con là điều không thể xảy ra, và ý nghĩ không biết có ai đó trên đời chấp nhận tôi cùng với căn bệnh của tôi luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng.

Tôi đã học được việc không đặt ra câu hỏi “Tại sao?” nữa mà thay vào đó là “Mình có thể rút ra được gì từ trải nghiệm này?”. Những mục tiêu mà tôi đề ra là những điều tôi biết mình có thể thực hiện được, nhưng những trở ngại sẽ luôn xuất hiện trên đường tôi đi. Tôi sống cho hiện tại và những gì mà tôi có thể làm được trong ngày hôm nay, không phải quá khứ mà cũng chẳng phải tương lai. Bởi vì với tôi, tương lai là thứ mà tôi không thể lên kế hoạch trước được.

* Thật là một cô gái có nghị lực phi thường! Thái độ chấp nhận thách thức giúp bạn học hỏi từ những điều mình đã trải qua, dù đó là kinh nghiệm tích cực hay tiêu cực, thay vì mong muốn một cuộc sống yên ổn, dễ dàng. Làm chủ tình thế, về cơ bản, giúp bạn tập trung vào những việc bạn có thể làm được, dù nó có nhỏ đến mức nào; kết quả là bạn sẽ không trở thành nạn nhân, hay rơi vào thế bị động, bất lực không biết làm gì. Quyết tâm sắt đá có sức mạnh giúp bạn trụ lại để thực hiện những nhiệm vụ hoặc mục tiêu khác nhau, như hoàn thành chương trình đại học, chứ không chỉ là những việc mang tính chất đối phó.

Trích “Sống mạnh mẽ” – Stephen R.Covey
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn online