09/12/2014

Nhà toán học Lê Bá Khánh Trình: “Học toán là chơi một thú chơi nghệ thuật”

“Học toán đến một độ nào đó là chơi một thú chơi nghệ thuật”. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với người thầy từng được mệnh danh là “Cậu bé vàng” của nền toán học Việt Nam không chỉ về vẻ đẹp, cái hay của toán học…

Một năm học mới đã bắt đầu. Chuyện học hành ở trường của các con, gia đình anh chuẩn bị thế nào? Bắt đầu từ việc bọc sách vở, dán nhãn?

Tôi có hai đứa con, con gái đầu học lớp 9, trai út học lớp 3. Năm học mới này, cũng chuẩn bị cho con như các ông bố bà mẹ khác thôi: Đứa lớn, dẫn con đi hiệu sách, cần gì để con tự mua, nếu nó nói cần mua giúp gì, thì mình mua; con trai út còn bé, lo nhiều hơn – bọc sách, đề tên nhãn vở, chuẩn bị sách bút. Đó là niềm vui của tôi.

Nghe anh nói, tôi có cảm giác anh là một người cha mẫn cán với con và bao bọc con?

Lo cho con đó là niềm vui lớn của tôi. Nói theo một cách nào đó, là đam mê cũng được. Lo những cái nho nhỏ. Đôi khi mình thấy mình cũng “ích kỷ” khi muốn hưởng cái niềm vui như vậy, vì cái đam mê lo cho con mà làm ảnh hưởng tới tính tự lập của chúng, hơi bao bọc chúng quá…

Thế về tinh thần, anh có động viên “Các con ơi, cố lên, qua một năm học này…”?

Tôi thấy cái câu động viên này là làm khó cho con cái đấy. Nên để cho các con nhập cuộc năm học mới một cách nhẹ nhàng, dần dần để chúng quen với nề nếp mới. Giữ nề nếp học một cách thoải mái cho con là tốt nhất.

Các con thường chia sẻ với anh những chuyện gì về trường lớp? Chúng có phải đi học thêm không?

Con tôi không đi học thêm. Con gái chia sẻ chuyện học nhiều hơn con trai. Con trai thì hay kể chuyện bạn nọ, bạn kia trong lớp thôi. Có lẽ vì tính nó nhút nhát, lành tính, nên bị bắt nạt.

Cha mẹ làm thế nào để con cái gần hơn với mình?

Cũng phải biết cách “khai thác” – trò chuyện với chúng. Con gái tôi hay lo xa, việc học hay cảm thấy căng thẳng. Nó nói chuyện với tôi việc nó nhận nhiệm vụ lớp phó học tập. Nó bảo nó thấy ngại, tôi bảo có gì đâu mà ngại, đây là nhiệm vụ con được giao, có giành giật gì đâu. Nó lo chuyện giữ sổ báo bài, tôi bảo, không giữ được sổ báo bài, thì làm được gì? Nói một cách nhẹ nhàng thôi.

Anh có cùng con học, mỗi tối?

Con trai không tự giác bằng con gái, nên mỗi tối, tôi ngồi trong phòng con trai, làm việc của mình, con trai ngồi trên bàn học của nó; con gái ngồi trong phòng của nó. Nhịp điệu không khí học tập buổi tối, thấy rất là thích: Tôi làm việc, con gái chạy sang hỏi bài, tôi giúp nó, rồi làm việc của mình. Con trai thấy khó hiểu bài, tôi giải thích cho con. Duy trì được không khí học theo cách này là quá tốt. Bản thân tôi cũng lây cái tinh thần làm việc của hai đứa con, hăng say công việc hơn…

Theo anh, làm thế nào để trẻ có thể tự học?

Học đâu chỉ là ghi nhớ, thuộc lòng. Tự học nếu chỉ là tự thuộc lòng thì chưa đủ. Nói chuyện tự học, tôi nghĩ cũng là chuyện nâng dần tầm nhìn cho trẻ. Một vấn đề – khi trẻ biết nhìn cao hơn, xem như là tự học được rồi.

Anh có lần nào bó tay trước bài toán phổ thông của các con?

Chưa. Nhưng có xảy ra trường hợp là, tôi cũng phải rất lâu mới giải ra bài toán, hay giải ra bài toán, nhưng cách giải của mình dài, sau đó trên lớp thầy giáo của con có cách giải đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Không phải lúc nào, trước mỗi bài toán, cũng tìm được cách giải “trời cho”. Đôi khi, cách giải của mình có thể dài, nhưng có ý tưởng rõ ràng. Một cách giải dài nhưng có ý tưởng rõ ràng thì cũng được, con nó có thể học được điều gì đó…

Học với các con, anh quan tâm xem chúng học gì, nhận được tri thức gì ở trường, thấy hài lòng dưới khía cạnh nào đó, hay thấy bất bình, bất an với khía cạnh nào đó, tại sao lại “bắt” trẻ con học những kiến thức như vậy?

Việc kiến thức này kiến thức kia được/ hay bị đưa vào sách giáo khoa – thì tôi cũng thông cảm thôi, chưa đến mức phải bất bình. Tôi nghĩ, ngay trong những kiến thức đó có cái gì đó vẫn có thể có ích, nếu biết chắt lọc, nói cho con hiểu từ từ. Kiến thức trường lớp có thể nhiều, quan trọng là mình rút tỉa từ đó, bồi dưỡng cho con, tạo cho nó kiến thức cơ bản, một tầm nhìn tốt hơn. 

Thậm chí có những cái, ví dụ, một số kiến thức xã hội trong sách giáo khoa hiện nay có những điều giáo điều, mình phải liên hệ thực tế, giảng giải cho con nó thông cảm điều đó, tại sao người ta lại cung cấp những điều giáo điều như thế vào sách giáo khoa cho trẻ con học,…

Thực tế cuộc sống, hay qua báo chí của chúng ta, có những gia đình, suy nghĩ, thậm chí nói với con cái của họ, thôi, cố học đi con, lên đến đại học, tính sau, rồi dành tiền cho con đi du học. Tức là, nói một cách phũ phàng là phải “tị nạn giáo dục” …

Những năm học phổ thông rất quan trọng, nhìn chung, kiến thức tương đối chuẩn mực, tạo nền tảng tư duy cho trẻ. Trẻ dần dần được tích luỹ kỹ năng, tư tưởng, nâng cao tầm nhìn. Cách nghĩ học cho xong, cho qua đi là học đối phó, không nhìn nhận của vai trò cấp học phổ thông. Nếu cứ coi 12 năm phổ thông như một gánh nặng, học đối phó, sẽ uổng phí đấy…

Anh có chia sẻ ý tưởng “thôi, để con ở nhà và tự dạy học cho con”?

Ý tưởng này cũng hay, nhưng khó thực hiện, vì trẻ sẽ mất cái điều quan trọng là giao lưu. Ngoài ra, “Học thầy không tầy học bạn”. Trong trường đâu chỉ có học kiến thức, còn học được nhiều thứ khác. Cha mẹ chỉ có thể dạy cho con 1 – 2 môn đạt yêu cầu. Còn những môn khác nữa, phải mời thêm thầy làm gia sư. Điều này làm mệt trẻ hơn là cho trẻ đến lớp…

Anh sinh ra trong một gia đình nhà giáo, anh làm thầy, thường xuyên hay bất chợt anh cũng có những so sánh về chuyện học xưa – nay có hay – dở khác nhau gì?

Tôi thấy, về cơ bản chuyện học cũng chẳng khác bao nhiêu. Nếu làm một cái so sánh, thì xưa, việc học mang vẻ gì đó lãng mạn hơn, có lẽ vì điều kiện quá ít, sách vở quá ít, môi trường ít, phải tận dụng tất cả để tạo cho mình nguồn kiến thức. Do đó, chuyện học làm cho mình nhớ hoài. Ngày nay, việc học giống như đã được chuẩn bị sẵn, bài bản, tốt thôi. Nhưng, tất cả đều theo guồng, tự nhiên thấy có gì đó máy móc, không làm mình nhớ được lâu. Thiếu cái gì đó ngẫu hứng. Trong học tập, cũng như sáng tác, cần chút gì ngẫu hứng, để tạo thăng hoa, ham mê.

Thuở nhỏ tôi học trường ma-xơ, chương trình học không chặt chẽ như bây giờ. Hồi đó chủ yếu học toán, tiếng Pháp, tiếng Việt. Bây giờ trẻ phải học nhiều môn hơn. Học tiểu học hồi đó chủ yếu được rèn tính tự lập. Có một điều, khi nhớ lại hồi đó, tôi nhớ mãi hai cuốn sách giáo khoa – hai người bạn thân thiết của tôi, đó là cuốn tiếng Việt với hình vẽ những ngôi nhà, con sông, làng xóm, rất nên thơ…

Bây giờ, tôi thấy sách giáo khoa với những bức tranh, hình không gây cho tôi cảm xúc nào cả. Hay vì tôi “có tuổi” nhỉ? Cuốn sách ngày xưa khiến tôi nhìn quang cảnh xung quanh đó thật thi vị, ấm cúng, gần gũi. Còn cuốn sách lịch sử thì người ta vẽ tranh màu các nhân vật, mỗi bài về một nhân vật; những hình vẽ, cách viết trong sách đó làm mình rất quan tâm, kích thích tôi đọc về nhân vật lịch sử…

Theo anh, có nên cho trẻ tiểu học dùng sách điện tử?

Bây giờ, trong cuộc sống, xung quanh quá nhiều thiết bị điện tử, nên sách giáo khoa điện tử, cho dù đang được coi là xu hướng tất yếu, thì như tôi thấy, không tạo cảm xúc. Cá nhân tôi thấy chưa cần thiết, chưa kể những em nhà khó khăn thì sao, ngoài ra, các em chưa đủ tuổi để bảo quản, giữ gìn…

Trước năm học mới, báo chí, dư luận kêu ca quá nhiều về chuyện giáo dục hiện nay ở ta. Tôi mong anh chỉ ra giúp tôi, ít ra, giáo dục của chúng ta cũng phải có nét nào đó được gọi là tốt chứ?

Phụ huynh kêu ca chuyện học là thường thôi, điều này thể hiện sự lo lắng của họ với việc học của con cái họ. Ngay cả khi nền giáo dục có thành tựu, phụ huynh vẫn có chuyện để kêu ca chứ. Về giáo dục của chúng ta, theo tôi, ít ra ở bậc phổ thông, chúng ta cũng có nhiều điểm sáng, tốt chứ. Chúng ta vẫn giữ được nề nếp học, gia đình nào cũng lo, quan tâm chuyện học, thậm chí bây giờ họ quan tâm hơn nên con cái học được nhiều thứ hơn.

Còn một khía cạnh nữa: Về phát triển kinh tế, đúng là chúng ta còn kém rất xa nhiều quốc gia. Nhưng ở một số sân chơi liên quan chuyện học, chúng ta đứng thứ 10, 20… Tức là nói về kinh tế thì mình chưa bật lên, nhưng nói chuyện học, mình cũng có điểm bật lên. Đó cũng là thành tựu chứ.

Tôi có đọc một số bài trả lời phỏng vấn của anh trên báo và nhớ là trong cuộc gặp ngắn với anh cuối năm 2013, nói chuyện giải toán, anh nói tới hai từ “may mắn”. Không lẽ, cả trong toán học, cũng là “may hơn khôn”? Nếu chờ sự may mắn thì có tìm ra được một lời giải đẹp được chăng – một lời giải, theo cách nói của anh là “cách giải của Chúa”?

Để đạt được thành tựu trong lĩnh vực nào đó, có hai thứ rất liên quan đến nhau, đó là kiên trì và may mắn. Cả hai cái này đều cần. Đằng sau may mắn là sự kiên trì. Kiên trì, đâu phải chỉ vài ngày. Khi có được cái mình mong muốn, là cũng có xúc tác của sự may mắn. Nhưng, phải đạt được ở một cái tầm nào đó thì mới có được may mắn. 

Ví dụ, giải một bài toán, muốn có một lời giải đẹp, có sức thuyết phục, phải đạt một tầm nhìn nào đó, mức tư duy nào đó, chứ ở tầm nhìn hạn hẹp, khó tìm thấy. Nếu kiên trì, sẽ đựơc đền đáp bằng một thời điểm may mắn. Không ai làm khoa học, lại gặp may, độp một cái, được ngay, giống như trúng số… Trong toán học, đằng sau sự may mắn, là sự bền chí, kiên trì.

Hỏi thật anh, theo anh, vào lúc này, giỏi toán để làm gì, có ích gì với số phận một con người, với nền giáo dục chung của một đất nước, như nước ta, chẳng hạn? 

Toán là môn tư duy, rèn tư duy. Trong các môn, toán phản ánh tư duy nhiều nhất, nó là môn học khá toàn diện vì trong các lĩnh vực đều có toán. Cao hơn, học toán để rèn tư duy, phải cố gắng nâng cao năng lực tư duy. Đấy cũng là nhiệm vụ, chưa kể mặt khác là khía cạnh nghệ thuật: Học đến một mức độ nào đó thì đạt được mức xem nó như nghệ thuật, nhìn ra vẻ đẹp của nó. Cao hơn nữa, việc học được nâng tầm lên như một thú chơi nghệ thuật. Học toán đến một độ nào đó là chơi một thú chơi nghệ thuật. Mà nghệ thuật muôn đời vẫn vậy, gửi thông điệp tới con người, cứu rỗi, giúp đỡ xã hội… 

Anh có định hướng con mình trở thành một nhà toán học, một người thầy như anh? Theo quan sát của tôi, hình như, con cái nhiều người đoạt giải cao trong các kỳ thi toán quốc tế, hay giỏi toán, ở ta, lại không tiếp nối truyền thống của cha mẹ họ?

Tuỳ cá tính từng đứa con, không bắt ép chúng được. Nếu thấy con có tư duy khá khá thì có thể định hướng. Nhiều người có nói với tôi, ở ta, quá nhiều người giỏi toán còn chưa ăn thua gì cả so với xã hội, con mình thế này thì cũng nên định hướng cho nó cái gì đó thiết thực hơn, nên thực tế một chút… Việc con những người giỏi toán không đi thi toán quốc tế, chứng tỏ, toán là cái gì đó của chung đấy, không của riêng một “đế chế”, gia đình, cá nhân thông minh nào…

Tính tới cuộc thi Olympic toán quốc tế lần thứ 55 (IMO) diễn ra tháng 7 vừa qua là chẵn 40 năm Việt Nam tham gia IMO, đây cũng là lần thứ ba anh làm trưởng đoàn, đưa các em đi thi IMO (IMO 46 tại Mexico, 2005, IMO 54 tại Colom- bia, 2013, IMO 55 tại Nam Phi, 2014). Với anh, kết quả cuộc thi năm nay thế nào?

Xét về mặt bằng chung, với thực lực cụ thể như hiện nay, kết quả như năm nay vượt sự mong đợi. Nhưng tôi là người trong cuộc, tôi thấy rằng, còn nhiều cái chưa hài lòng, vì chưa làm hết sức. Nếu cố gắng, kết quả đã tốt hơn…

Thầy giáo Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1962, là 1 trong 5 học sinh Việt Nam tham gia IMO lần thứ 21, Luân Đôn năm 1979, nhận HCV và được giải đặc biệt do có lời giải độc đáo. Tốt nghiệp Khoa toán ĐHTH Moskva mang tên M. Lomonosov. Hiện giảng dạy toán tại Khoa Toán – ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM. Phụ trách đào tạo học sinh đội tuyển toán của Trường phổ thông năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM.

Lâm Tuyền 
Nguồn: Lao Động cuối tuần