12/09/2020

Bầu trời không chỉ có màu xanh

Cuốn sách như một sự sẻ chia của tác giả về những trải nghiệm thành công lẫn thất bại trên hành trình lập thân.

Là tự truyện nhưng cuốn sách lại không bắt đầu từ thuở thiếu thời của nhân vật như thường thấy, nên cũng không hẳn là một tổng kết hay một kiểu đúc rút đời người, mà như một sự sẻ chia của tác giả về những trải nghiệm thành công lẫn thất bại trên hành trình lập thân.

Lý Quí Trung bắt đầu cuốn sách Bầu trời không chỉ có màu xanh (Nhà xuất bản Trẻ) từ chuyến bay “tâm trạng ngổn ngang” đưa ông sang Australia du học năm 1990, khi 24 tuổi. 

Đó là những ngày tháng “cần tiền như hơi thở” trên đất lạ, tìm kiếm một khóa học tiếng Anh 20 tuần do một nhà hảo tâm tài trợ, hay sau đó là tấm bằng cử nhân “thì phí cơ hội quá” khi khó khăn lắm mới bước được tới chân trời mới trong thời kỳ mà Việt Nam còn chưa có hình thức du học tự túc. Xác định ngay từ lúc ra đi là sẽ về nước để thực hiện nốt phần còn lại của ước mơ nên cựu nhân viên… chạy bàn và tiếp tân khách sạn này đã cố công thu nạp kiến thức, dù thừa nhận mình “không học giỏi” và “từng thi đại học rớt lên rớt xuống”. Đó còn là những câu chuyện rất đời như thoát được sự quyến rũ của cơn nghiện sòng bài ở xứ người, chiến thắng được nửa xấu trong con người mình lúc nhặt của rơi là 5kg vàng khi đang là một nhân viên quèn…

Tác giả kể nhiều về công việc, ít nói về bản thân, nhưng chân dung của nhân vật qua đó hiện ra rất rõ. Sau từng câu chuyện, sự cố, chuyển biến, tác giả đều tự chiêm nghiệm, khái quát về tốt – xấu, thất bại – thành công. Những sắc thái của sự dấn thân, luôn muốn tạo ra sự khác biệt, không sợ thất bại và biết dừng lại đúng lúc “làm người bỏ cuộc nhưng sống sót còn hơn làm anh hùng mà hy sinh”, luôn xuyên suốt trong gần 200 trang sách. Là một diễn giả chuyên nghiệp, nhưng trong tự truyện, tác giả không bị sa đà vào sự lên gân, mà kể bằng chất giọng nhẹ nhàng, đôi lúc hóm hỉnh ngầm và nhiều chỗ xúc động.

Từ một sinh viên nghèo, trở thành sinh viên quốc tế xuất sắc nhất của một bang nước Úc, đến danh hiệu giáo sư danh dự tại chính ngôi trường mình từng học, và một ông “tiến sĩ bán phở”, nay nhà đồng sáng lập của một thương hiệu phở nổi tiếng này đã nhượng lại đứa con mà mình sinh ra. Cuốn sách bắt đầu bằng khoảng trời xanh và khép lại cũng bằng hình ảnh bầu trời, nhưng nó “không chỉ có màu xanh mà còn có nhiều màu sắc khác nữa” như nhắn gửi với người đọc rằng, tác giả sẽ còn tạo dựng những dự án mới, kể những câu chuyện mới. Bởi với ông “tiền bạc không làm tôi hạnh phúc mà chính niềm đam mê gầy dựng một dự án có ích cho xã hội làm tôi hạnh phúc”.

Võ Tiến
Nguồn: phunuonline.com.vn