29/11/2014

Âm thanh nào hay nhất?

Tên một người – đối với người đó – là một âm thanh quan trọng và êm tai hơn thảy những âm thanh khác. 

Năm 1898, Joe Farley chết một cách bất ngờ, để lại vợ góa và ba con côi với vài trăm đô la tiền bảo hiểm.

Con trai lớn nhất của ông tên Jim, mười tuổi, phải giúp việc trong một lò gạch: đẩy xe cát, đổ cát vào khuôn, phơi gạch. Không có thì giờ học, nhưng có một thiên tài trời cho là biết làm cho người khác thương mình. Lớn lên, ông làm chính trị, tập nhớ tên họ và vẻ mặt của người khác, mà lần lần trí nhớ đó trở nên kỳ diệu.

Không hề được học một trường đại học nào hết, mà chưa đầy bốn mươi sáu tuổi, có tới bốn trường đại học cấp bằng danh dự cho ông, lại làm Hội trưởng ủy ban dân chủ quốc gia, và Tổng giám đốc Bưu điện Mỹ.

Một lần được ông tiếp, một người hỏi ông bí quyết của sự thành công đó. Ông đáp:”Cần cù làm việc“. Người đó đáp lại: “Ông đừng nói đùa!“.

Ông hỏi lại người đó: “Vậy theo ông, bí quyết đó ở đâu?” Người đó đáp: “Người ta nói rằng ông có thể nhớ tên được mười ngàn người“.  Ông đáp lại: “ Xin lỗi ông, ông sai rồi. Tôi có thể nhớ tên năm chục ngàn người. “

Chính khả năng đặc biệt này mà Jim Farley đưa được Franklin D.Roosevelt vào Nhà Trắng khi ông điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống cho Roosevelt năm 1932.

Phương pháp ông rất đơn giản. Mỗi lần ông mới làm quen với ai, ông hỏi tên họ người đó và cách viết ra sao. Ông tìm cách biết rõ về gia đình, nghề nghiệp, màu sắc chính trị người đó, ghi nhớ lấy rồi, lần sau gặp lại, – dù là cách một năm đi nữa – ông cũng có thể vỗ vai người đó mà hỏi thăm về vợ, con, cả đến những cây trồng trong vườn người đó nữa!

Vậy thì tới đâu ông cũng có bạn thân, có gì là lạ.

Jim Farley đã sớm phát hiện ra rằng mọi người bình thường đều quan tâm đến tên riêng của mình nhiều hơn mọi tên riêng khác trên trái đất này cộng lại. Chỉ cần nhớ tên riêng của từng người, phát âm nó chuẩn xác là bạn đã tặng một lời khen tế nhị và rất hiệu quả cho người ấy. Còn nếu bạn quên, hay phát âm sai tên người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn tự đặt mình vào một tình cảnh rất khó chịu.

Điều gì đã làm cho ông vua thép Andrew Carnegie của Mỹ thành công? Là vì ông biết cách đối xử với mọi người. Ngay từ hồi ít tuổi, ông đã có tài tổ chức, thấu tâm lý và chỉ huy. Mới mười tuổi ông thấy rằng ai cũng cho tên họ của mình là vô cùng quan trọng. Một hôm, ông bắt được một con thỏ cái mới sinh được một bầy thỏ con mà không có tiền nuôi chúng. Ông bèn dụ bọn con trai, con gái trong vùng rằng nếu kiếm được đủ cỏ ba lá và bồ công anh để nuôi bọn thỏ, ông sẽ lấy tên của chúng để đặt tên cho từng chú thỏ. Kết quả thần diệu. Và ông không bao giờ quên chuyện đó.

Nhiều năm sau, ông lại dùng thuật đó. Ông lấy tên của hội trưởng một công ty xe lửa để đặt tên cho một xưởng lớn của ông và nhờ vậy mà công ty xe lửa đó thành khách hàng mua đường ray của ông!

Cũng bằng cách này, chiến dịch quảng cáo của hãng Coca – Cola gần đây cũng thắng lớn với việc in tên trên chai Coca. Cơn sốt chụp ảnh với vỏ chai Coca-cola in tên mình đã “làm mưa làm gió’ tại Việt Nam sau khi gây nghiện cho giới trẻ ở hơn 123 quốc gia trong suốt 2 mùa hè qua. Đây được đánh giá là một trong những chiến dịch quảng cáo sáng tạo và hiệu quả nhất trong lịch sử của Coca-cola. 

Chúng ta có thể áp dụng được gì từ những câu chuyện trên trong việc dạy học?

Việc nhớ tên từng học sinh và gọi học sinh bằng tên của các em sẽ giúp cho việc giao tiếp giữa thầy cô và học sinh tốt hơn. Các em cảm thấy được quan tâm, được nhớ và cảm thấy vui hơn trong lớp học. Hàng rào khoảng cách giữa thầy cô và các em cũng gỡ bỏ. Điều này giúp học sinh mạnh dạn chia sẻ ý kiến của mình, đặt câu hỏi khi có khó khăn; từ đó thầy cô có thể giúp các em kịp thời.

Dale Carnegie (Trích: Đắc nhân tâm ) 

17/08/2017
Công chúa nhỏ