Monthly Archives: April 2020

Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm nay sẽ như thế nào?

TTO – “Giáo viên và học sinh lớp 9 phải thay đổi phương pháp dạy và học, không thể học tủ, học vẹt như trước. Nếu không, học sinh sẽ rất thiệt thòi trong việc tìm một chỗ học trong trường THPT công lập ở TP.HCM”.

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn tiếng Anh kỳ thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM năm 2020. Ông Hiếu cho biết: “So với năm trước, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay không thay đổi. Tuy nhiên, nội dung đề thi sẽ tăng cường những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức đã học của thí sinh để giải quyết tình huống thực tế”.

Do thời gian học sinh nghỉ học kéo dài nên Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ đề xuất với UBND TP.HCM dời kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 tương ứng với thời gian kết thúc năm học của học sinh lớp 9. Năm nay, TP có gần 100.000 học sinh lớp 9 dự kiến tốt nghiệp THCS. Các trường THPT công lập sẽ tuyển khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10.

Ông Nguyễn Văn Hiếu

Học đến đâu, thi đến đó

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, dù thời gian học của học sinh bị gián đoạn do dịch COVID-19, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM sẽ không bị tác động về mặt cấu trúc, khối lượng kiến thức trong đề thi. 

“Chương trình học đến đâu thì nội dung trong đề thi sẽ hỏi đến đó, không nằm ngoài những kiến thức các em đã học. Dĩ nhiên đây là kỳ thi tuyển sinh nên chắc chắn phải có những câu hỏi phân hóa nhằm chọn lựa thí sinh” – ông Hiếu nói.

Với môn ngữ văn, ông Trần Tiến Thành – chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 sẽ có 3 phần: phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm) với thời gian làm bài 120 phút. 

Trong đó phần đọc hiểu sẽ cho ra một hoặc một số văn bản có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận xã hội, văn bản nghị luận, văn bản khoa học…để thí sinh đọc. Tiếp theo đó là những câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó. Câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; có thể yêu cầu nêu nội dung văn bản; yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới.

“Khi làm các câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung; trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề; tránh lan man, dài dòng không cần thiết” – ông Thành khuyên.

Ở câu hỏi nghị luận xã hội, đề thi sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn khoảng một trang giấy thi. “Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài; cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, các em cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình” – ông Thành hướng dẫn.

Riêng câu hỏi về nghị luận văn học được xem là câu phân loại trình độ thí sinh, thông thường đề thi sẽ cho học sinh có 2 lựa chọn. Đề 1 sẽ là cách hỏi quen thuộc, yêu cầu phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình, từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng như liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến… Đề 2 sẽ có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn, thường thì đề này sẽ dành cho những học sinh giỏi văn.

“Để làm tốt câu nghị luận văn học, các em cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học. Cần vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này, tránh diễn xuôi, nhắc lại nội dung tác phẩm một cách máy móc” – ông Thành nói.

Môn toán: quan trọng nhất là… kỹ năng đọc – hiểu

“Đề thi môn toán bao gồm 8 bài, mỗi bài có nhiều câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó bài 1 và 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 bài tiếp theo là dạng toán thực tế; bài số 8 có nội dung về hình học và cũng là bài toán khó nhất trong đề thi, dùng để phân loại thí sinh” – ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin.

Ông Lộc cho biết: “Đề thi có 5/8 bài thuộc dạng toán thực tế mà đề bài toán thực tế thường rất dài, có rất nhiều thông tin khác nhau. Do đó, nhiều thí sinh không có kỹ năng đọc – hiểu thì thường cảm thấy “choáng”, rối rắm sau khi đọc đề thi. 

Nhiều em cho rằng đó là bài toán quá khó và bỏ luôn, không làm. Thật ra, bài toán thực tế không khó về thuật toán mà đòi hỏi thí sinh phải hiểu đề bài, biết phân tích đề và “gạn lọc” những chi tiết cần thiết để sử dụng giải đề bài ấy. Đây là kỹ năng giải bài toán thực tế”.

Theo một số giáo viên chấm thi môn toán tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, ở đề toán thực tế, thí sinh hay bị trừ điểm do sai và nhầm lẫn về khái niệm gần đúng, các quy ước; sai do dùng dữ liệu không chính xác… 

Các câu hỏi thuộc về hình học cũng làm khó nhiều thí sinh do đòi hỏi tư duy cao. Vì vậy, muốn giải quyết được trọn vẹn bài toán về hình học, thí sinh phải thuộc các định lý, tính chất, biết cách chứng minh và thuần thục kỹ năng vẽ hình, đổi đơn vị…

Môn tiếng Anh: Tập trung vào từ vựng

Theo ông Trần Đình Nguyễn Lữ – chuyên viên môn tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi môn tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ tăng cường những câu hỏi về từ vựng, ngữ nghĩa của câu, việc ứng dụng ngoại ngữ trong các tình huống thực tế đời sống.Thế nên học sinh không thể học vẹt, học theo kiểu rập khuôn theo những kiến thức sách vở mà phải biết phân tích câu để hiểu ngữ nghĩa của từ đặt trong các bối cảnh khác nhau. Ngữ pháp cũng là nội dung quan trọng trong đề thi và chiếm 30-40% đề thi.Ông Lữ khuyên: “Trong thời gian nghỉ ở nhà dài ngày như hiện nay, học sinh cần tranh thủ rèn luyện, nâng cao vốn từ vựng bằng cách xem phim, nghe nhạc, đọc sách bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, các em đặt các từ trong nhiều bối cảnh khác nhau để nhớ lâu hơn và hiểu được nghĩa của từng từ rõ ràng hơn”.

 

Hoàng Hương

Nguồn: tuoitre.vn

 

Đề thi ĐH không được ra phần kiến thức đã tinh giản

Điều khiến nhiều học sinh lớp 12 hiện lo lắng là các trường ĐH nếu tổ chức thi sẽ ra đề thế nào, phần nội dung đã tinh giản có được đưa vào đề thi hay không.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngoài ra, học sinh cũng quan tâm việc thi tự luận ở các trường ĐH sẽ ra sao khi 3 năm qua học sinh chỉ được luyện thi theo hình thức trắc nghiệm?

“Tự học có hướng dẫn” có thể trong phạm vi ra đề

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ đã quy định nội dung chương trình đã được tinh giản, cụ thể là nội dung được ghi chú “không dạy”, “không làm”, “không thực hiện”, “khuyến khích học sinh tự đọc, tự học” sẽ không kiểm tra đánh giá, không đưa vào đề thi.

“Do vậy, bất kể kỳ thi nào dành cho đối tượng học sinh phổ thông, thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng phải thực hiện nghiêm quy định này của Bộ”, PGS Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Tuy nhiên, ông Thành lưu ý nội dung được ghi chú “tự học có hướng dẫn”, học sinh cần phân biệt là khác với “khuyến khích tự học” nên vẫn được phép nằm trong phạm vi sẽ kiểm tra, đánh giá và thi. Do vậy, trong quá trình ôn tập, học sinh và nhà trường cần dựa vào nội dung chương trình đã được tinh giản cùng hướng dẫn của các thầy cô qua internet, truyền hình trong thời gian không đến trường do dịch Covid-19 và sau khi quay trở lại trường.

Học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, cốt lõi

Một vấn đề khác mà thí sinh cũng đặc biệt quan tâm là 3 năm học THPT, các em đã được ôn luyện và làm quen với hình thức thi, kiểm tra trắc nghiệm, nay một số trường ĐH tốp đầu tổ chức thi riêng và ra đề thi có phần tự luận, vậy có phải “làm khó” cho học sinh hay không.

Ông Thành cho rằng theo hướng dẫn của Bộ, việc kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ phải kết hợp cả hình thức tự luận và trắc nghiệm. Ngoài ra, Bộ cũng cho phép các nhà trường chủ động áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh qua các hoạt động, sản phẩm học tập, nghiên cứu nhằm khuyến khích việc dạy học tích cực, phát huy năng lực, phẩm chất học sinh qua quá trình hoạt động, học tập.

Tuy nhiên, dù áp dụng hình thức đánh giá nào thì học sinh cũng cần nắm vững kiến thức cơ bản, cốt lõi. Mỗi hình thức đánh giá sẽ giúp các em được luyện tập, bồi đắp thêm các năng lực khác nhau. Nếu học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, kết hợp với việc ôn luyện và có kỹ năng làm các bài thi theo hình thức tự luận, trắc nghiệm thì sẽ đạt hiệu quả tốt trong kỳ thi.

Mặt khác, trong thời gian học sinh không đến trường, Bộ đã yêu cầu các địa phương, các trường tổ chức dạy học qua internet và truyền hình, bố trí giáo viên quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, ôn luyện bằng mọi hình thức. “Đó là những cố gắng của Bộ nhằm giảm áp lực cho nhà trường và học sinh, khi cả nước đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Thành chia sẻ.

Tuệ Nguyễn

Các trường ĐH dời ngày thi đánh giá năng lực

Một số trường ĐH đã có thông báo lùi thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.

Theo thông báo của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH này dự kiến điều chỉnh lịch thi đánh giá năng lực đợt 1 vào cuối tháng 6 và đợt 2 vào cuối tháng 8.

Trường ĐH Quốc tế cũng đã có thông báo mới về việc tổ chức ngày thi kiểm tra năng lực, dự kiến vào 11 và 12.7. Trường mở cổng nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 27.4 – 21.6.

Trường ĐH Việt Đức cũng thông báo dời lịch tới ngày 18 và 19.7 (thay vì tháng 5 như mọi năm).

Hà Ánh

 

Tư vấn truyền hình trực tuyến: Trường ĐH, CĐ thay đổi tuyển sinh ra sao ?

Hôm nay 28.4, Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Thi THPT quốc gia thành tốt nghiệp THPT: Trường ĐH, CĐ thay đổi tuyển sinh ra sao?”. Chương trình được phát trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Trước phương án chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các trường ĐH và CĐ đồng loạt điều chỉnh phương án tuyển sinh cho phù hợp với tình hình mới. Các phương án này, đáng chú ý là việc giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vậy, thay vào đó các trường sẽ sử dụng những phương thức nào?

Chuyên gia tham dự chương trình gồm có: Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức; Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM; Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang; Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; Tiến sĩ Huỳnh Thế Nguyễn, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing; Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM; Thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.

Bảo Hân

Nguồn: thanhnien.vn

 

Thông tin giáo viên giảng dạy các lớp ôn thi tuyển sinh lớp 10

MÔN TOÁN 

  • Cô Trương Thị Lệ Hà
    • Thạc sĩ Toán Giải tích
    • Giáo viên trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong
    • Có kinh nghiệm giảng dạy trên 30 năm trong ngành

MÔN NGỮ VĂN

  • Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi
    • Nghiên cứu sinh ngành Văn học Việt Nam
    • Giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM
    • Giáo viên trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (2004 – 2009)
    • Có kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến trên các kênh truyền hình như HTV…
    • Tác giả bộ sách “Chuẩn bị tốt nhất kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia”, “Tự ôn tập hiệu quả cho kì thi THPT Quốc gia”, “Ôn tập tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017”, “Bí quyết viết đoạn nghị luận xã hội theo định hướng đề thi mới”, “Rèn luyện kĩ năng làm bài ngữ văn”

MÔN TIẾNG ANH

  • Cô Trần Thụy Thùy Trinh
    • Thạc sĩ ngành Tiếng Anh.
    • Giáo viên chuyên Anh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong
    • Có kinh nghiệm nhiều năm ra đề trong các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh Đại học, Học sinh giỏi cấp Thành phố, cấp Quốc gia
    • Thường xuyên được các tờ báo mời tư vấn phương pháp học tập môn Tiếng Anh

 

Hướng dẫn học sinh tham gia lớp học trực tuyến TK-Online

Tam Khôi tổ chức chương trình học trực tuyến nhằm giúp học sinh có thể vừa học vừa ôn các kiến thức thông qua hệ thống bài giảng và bài luyện tập hoàn chỉnh. Đồng thời, học sinh có được sự hỗ trợ từ giáo viên khi cần. Với chương trình học trực tuyến, học sinh có thể truy cập học mọi lúc, giúp học sinh chủ động  sắp xếp lịch học phù hợp.

Để tham gia chương  trình học trực tuyến của Tam Khôi, học sinh cần truy cập phần mềm và hệ thống sau:

  • Zoom: phần mềm nói chuyện trực tuyến được sử dụng cho các lớp giải đáp trực tuyến với giáo viên. Học sinh xem hướng dẫn cài đặt tại đây.
  • Edmodo: hệ thống lớp học trực tuyến đăng tải bài giảng và các bài thực hành. Để tham gia lớp học trực tuyến, học sinh truy cập trang https://www.edmodo.com/.

Học sinh chọn Log in ở góc phải trên và đăng nhập vào trang Edmodo với tài khoản đã được trung tâm cung cấp qua tin nhắn/email trước đó:

Để nắm cách thức học và làm bài trong lớp học trực tuyến, học sinh vui lòng xem chi tiết hướng dẫn tại đây

Quý Phụ huynh và các em học sinh có thể liên hệ 0909 617 517 – 0932 619 786 hoặc trang fanpage của Tam Khôi (www.facebook.com/tamkhoi.edu.vn) để nhận thêm thông tin về chương trình học trực tuyến của Tam Khôi.